Tìm hướng hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng: 14-12-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

(CT)-Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), hầu hết các xã ở TP Cần Thơ đều xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn phải đi trước một bước, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn. Định hướng đúng đắn này đã đư

Quan tâm đầu tư

Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới, nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội gồm các tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện và nhà ở dân cư. Sau 5 năm triển khai XDNTM trên địa bàn 36 xã ở TP Cần Thơ, điểm nhấn dễ thấy nhất là hệ thống giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, những chiếc cầu, các tuyến đường liên ấp, liên xã được nâng cấp, sửa chữa và xây mới có vốn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng hoàn toàn do nhân dân đóng góp. "Thấy rõ lợi ích từ những công trình mang lại nên khi xã phát động, bà con đồng tình ngay. Mỗi người một cách, nhà nào có điều kiện thì hiến đất, ủng hộ tiền, hiện vật còn nhà nào không có điều kiện thì góp sức làm đường. Các tuyến đường trên địa bàn ngày một khang trang, thông suốt không chỉ tạo điều kiện phát triển sản xuất, giao thương mà con em chúng tôi đi học cũng dễ dàng hơn…" - ông Trần Văn Nam, nông dân xã Đông Bình, huyện Thới Lai, chia sẻ. 

 Nhờ được đầu tư thích đáng, hạ tầng kinh tế - xã hội tại các  xã từng bước được hoàn thiện góp phần phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong ảnh: Xe ô tô đã vào được tận ấp C2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi tạo được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Từ năm 2012, huyện bắt đầu thực hiện hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín phục vụ sản xuất với yêu cầu đặt ra là phải xây dựng, nâng chất đồng bộ hệ thống đê bao kết hợp với xây dựng hệ thống cống đập. Tuy nhiên, qua rà soát, để làm được điều này cần nguồn kinh phí hơn 100 tỉ đồng (không kể đất đai, hoa màu và vật kiến trúc) trong khi nguồn ngân sách huyện không đáp ứng. Từ thực tế này, huyện tập trung phát động phong trào xây dựng hệ thống đê bao khép kín gắn với XDNTM lấy chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô hằng năm làm nền tảng. "Chủ trương này được nhân dân đồng tình cao. Những năm qua, người dân đã hiến hơn 57,3ha đất, trị giá 68,85 tỉ đồng; đóng góp cùng Nhà nước xây dựng trên 850 cống nhỏ, đập trị giá hơn 4,25 tỉ đồng, góp phần khép kín hơn 4.500ha vườn cây ăn trái và tạo điều kiện thông thoáng hệ thống thủy lợi, tưới tiêu..."-ông Trần Thái Nghiêm cho biết.

Nhiều xã XDNTM trên địa bàn thành phố phản ánh, sau 5 năm bắt tay vào công cuộc XDNTM, kết cấu hạ tầng nông thôn tại các xã từng bước được hoàn thiện, song vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của từng nơi. Đối với quy hoạch kết cấu hạ tầng nông thôn, hầu hết các địa phương chưa thực hiện quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông nên việc đầu tư còn tự phát, chưa mang tính định hướng, gây khó khăn cho việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này. Hệ thống thủy lợi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa vụ ba, đặc biệt là việc nhân rộng mô hình "Cánh đồng lớn". Đa phần các ấp đều có nhà thông tin, song so với bộ tiêu chí nông thôn mới thì cơ sở vật chất về văn hóa của xã, ấp chưa đáp ứng được yêu cầu... Với năng lực hiện có, các xã chỉ có thể phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông, thủy lợi còn các tiêu chí khác như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện… hầu hết đều phải nhờ hỗ trợ, đầu tư từ Nhà nước.

Tập trung mọi nguồn lực

Quá trình XDNTM, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn là yêu cầu cấp thiết và mang tính quyết định trong việc rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, ngoài nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, các huyện XDNTM trên địa bàn TP Cần Thơ đã chủ động lên kế hoạch, vận dụng linh hoạt các giải pháp để từng bước hoàn thiện nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: "Phong Điền tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng hoàn thiện, nâng chất hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như đường giao thông, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, trạm cấp nước, trường học, trạm y tế… Hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện chọn xã điểm chỉ đạo cụ thể, ưu tiên tập trung hoàn thành, nâng chất các công trình hạ tầng cơ bản: giao thông, trường học các cấp, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa ấp...".

Theo phản ánh của một số xã, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông nông thôn thời gian qua tạo được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Vì vậy, thời gian tới, các xã xác định tiếp tục tận dụng lợi thế này để đẩy mạnh phong trào "Cần Thơ chung sức XDNTM". "Ngay từ những ngày đầu thực hiện đề án XDNTM, xã xác định các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phải chú trọng chất lượng và đảm bảo tiến độ. Các công trình này thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tiến hành một cách đồng bộ với lộ trình cụ thể, chọn ấp điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã. Thạnh Lợi đã là xã nông thôn mới. Tuy nhiên, chúng tôi xác định vẫn tiếp tục nâng chất, hoàn thiện nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội theo phương châm tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách để đầu tư cho các công trình có vốn đầu tư lớn. Đồng thời, tranh thủ sự đồng thuận của các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo để phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chung sức XDNTM…"- ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, nhấn mạnh: Nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội cần có vốn đầu tư lớn. Một số tiêu chí như trường học, y tế, xóa nhà tạm phải được thực hiện từng bước và lâu dài. Vì vậy, mỗi xã cần cân nhắc lựa chọn công trình nào thực sự cần thiết để ưu tiên đầu tư trước gắn với thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa. Đối với công cuộc XDNTM hiện nay, phát huy nội lực vẫn là giải pháp mang tính quyết định. Lẽ đó, các xã cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn trong dân, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia thực hiện trên địa bàn nhằm đa dạng hóa nguồn lực XDNTM... Và để làm được điều này, công tác tuyên truyền XDNTM phải được đặt lên hàng đầu, bám sát phương châm "dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp"...

Bài, ảnh: MỸ THANH