Trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động

Ngày đăng: 13-10-2014 - HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ

Ngày 10-10-2014, Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang đăng cai tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL lần thứ 22. Đoàn công tác của TP Cần Thơ, do ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố làm Trưởng đoàn.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh, thành trong khu vực đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc cải tiến, đổi mới trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương trong phạm vi, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành; giải pháp nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết và văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND; kinh nghiệm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND; kinh nghiệm giám sát thực tế của Thường trực HĐND và các ban của HĐND cấp tỉnh;… Trong trao đổi kinh nghiệm, các đại biểu cùng chung nhận định: thời gian qua, HĐND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng – an ninh của địa phương và khu vực. Các nghị quyết của HĐND ban hành tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, được các cấp, các ngành và nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả… Tuy nhiên, do số lượng đại biểu HĐND chuyên trách còn ít, một số đại biểu thiếu kinh nghiệm, kiến thức ở một số ngành, lĩnh vực nên việc thẩm tra, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số luật, quy định liên quan đến hoạt động của HĐND còn thiếu, chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND. Một vài nghị quyết ban hành chưa thật sự sát với thực tế, có nghị quyết nội dung còn chung chung, khó áp dụng; một số nghị quyết của HĐND chậm được triển khai hoặc triển khai thực hiện kéo dài;… 

Chủ tọa Hội nghị và Đoàn thành phố Cần Thơ

Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động HĐND trong quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành luật giám sát của HĐND, tăng số lượng đại biểu chuyên trách cho cơ quan Thường trực HĐND; tăng đại biểu chuyên trách, giảm số đại biểu HĐND là cán bộ ở khối cơ quan nhà nước, tăng đại biểu ở khối đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp;... Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ trong dự án luật các chế tài đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng nghị quyết của HĐND. Đề nghị Quốc hội hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 để tránh sự trùng lắp, chồng chéo, gây khó khăn khi thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác HĐND, tăng số lượng cấp ủy viên cùng cấp trong Thường trực và các Ban của HĐND…

QUỐC TRƯỞNG