Vị thế của Cần Thơ

Ngày đăng: 26-12-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

(CT) Cần Thơ- cũng như các tỉnh thành khác của Đồng bằng sông Cửu Long- là vùng đất mới, được hình thành và phát triển trên dưới ba trăm năm nay. So với các tỉnh, thành khác trong khu vực, lịch sử hình thành vùng đất Cần Thơ có phần muộn màng hơn; nhưng trong tương quan giữa các địa phương, Cần Thơ có vị thế vững vàng về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội… Đặc biệt, từ lâu, Cần Thơ đã được xác định là trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với tên gọi "Tây Đô"- mang ý nghĩa thủ đô của khu vực miền Tây Nam Bộ.

Trường Phan Thanh Giản, nay là Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh: livecantho.com

Cần Thơ là tỉnh hoàn toàn do người Pháp lập. Hạ tầng giao thông với quốc lộ và hàng trăm con kinh được đào, tạo sự thuận lợi, thông thương nối liền với Mỹ Tho với Sài Gòn. Với vị trí đắc lợi, Cần Thơ đã thu hút không ít địa chủ ở miệt Mỹ Tho, Sa Đéc… đến khai khẩn(1).

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Nguyễn Liên Phong khi viết "Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca" đã dành rất nhiều lời để ca ngợi sự trù phú của Cần Thơ:

Cần Thơ xứ lắm bạc tiền,

Bởi vì thổ sản điền viên cả ngàn.

Chín tổng trong chín mươi làng,

Ruộng thuộc ruộng khẩn muôn vàn biết nhiêu.

Vườn nhờ huê lợi cũng nhiều,

Bông hoa cây trái mỹ miều thường niên.

So cùng mấy hạt các miền,

Cần Thơ thứ nhất mối giềng giàu sang.

Châu Thành sở tại Tân An,

Dưới kinh trên lộ dọc ngang tư bề.

Phố phường lầu các chỉnh tề,

Phía tiền một dãy bực tề thẳng ngay.

Trên bờ buôn bán đông đầy,

Dưới thì ghe cộ đậu dày ngoài trong.

Lài lài đá cẩn mé sông,

Cầu tiêu sạch sẽ dân không hiểm nghèo.

Ðường thì đèn thắp sáng đều,

Cầu tàu hai chỗ cao hều thẳng băng(2).

Nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL, Cần Thơ là nơi giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh thành trong vùng và các vùng miền trên cả nước. Đất đai Cần Thơ màu mỡ, khí hậu hiền hòa, không có hiện tượng thời tiết cực đoan nên có thể nói là vùng "đất lành chim đậu", thu hút dân tứ xứ đến làm ăn, lập nghiệp, dần dần hình thành những thôn ấp, xóm làng. Chợ búa mọc lên, dân cư đông đúc… đắp lộ xây cầu, những trung tâm thị tứ được hình thành và ngày càng phát triển.

Ðường phố Cần Thơ xưa. Ảnh: nguoidothi.vn

Rạch Cần Thơ chạy dài tới Phong Điền, nhà cửa đông đúc. Rạch Cái Răng là nơi đất tốt. Đất ở rạch Bình Thủy không đâu sánh bằng. Rạch Cần Thơ và rạch Bình Thủy như nối tiếp nhau ở cuối ngọn. Tuy không là văn vật như miền Tiền Giang nhưng dân ở hai con rạch này khá thuần thục, thông hiểu lễ nghĩa "trai Nhơn Ái, gái Long Xuyên"(3).

Công cuộc khẩn hoang và sản xuất nông nghiệp phát triển thúc đẩy sự ra đời của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản và các ngành dịch vụ… Từ năm 1911, các nhà tư sản người Pháp, người Hoa đã lập nên nhiều nhà máy xay xát, chế biến gạo xuất khẩu. Cái Răng trở thành kho tồn trữ, chế biến lúa gạo cho cả miền Tây. Giao thông đường thủy cũng phát triển mạnh, công ty vận tải đường sông mở nhiều tuyến đường từ Sài Gòn- Mỹ Tho đi dọc theo sông Tiền đến An Giang, Châu Đốc, lên tận Phnôm Pênh, Biển Hồ… Tính trung bình từ năm 1901- 1906, mức sản xuất của tỉnh Cần Thơ mỗi năm là 116.000 tấn, đứng hạng nhất ở Nam Kỳ về nông nghiệp.

Một góc đô thị TP Cần Thơ hôm nay. Ảnh: MINH HUYỀN

Về thương mại, Cần Thơ nằm ở trung tâm ĐBSCL nên đã đóng vai trò phân phối hàng hóa đi các tỉnh thuộc khu vực. Ngoài nhà máy sản xuất nước ngọt và nước đá của hãng B.G.I, các trung tâm kinh tế, thương mại lớn cũng lần lượt đặt chi nhánh, đại lý tại Cần Thơ. Bên cạnh đó, sự ra đời của công ty điện nước có khả năng cung cấp điện cho một số tỉnh lân cận đã đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa ở Cần Thơ.

Ngay từ buổi đầu, Cần Thơ cũng đã sớm khẳng định vị thế của mình về mặt văn hóa và giáo dục so với các địa phương khác trong khu vực. Nhóm "Tao đàn Bà Ðồ" làng Long Tuyền được thành lập vào khoảng thế kỷ XIX, là nơi các văn hào miền Nam đàm luận văn chương và thế sự. Từ giữa thế kỷ XIX, Cần Thơ đã nổi tiếng là trung tâm văn hóa miền Tây bởi khi đời sống vật chất của dân chúng sung túc, văn học nghệ thuật càng được chú trọng. Ca dao Cần Thơ có những nét đặc sắc riêng biệt. Điệu hò Cần Thơ vang tiếng một thời, không thua kém gì hò Đồng Tháp, hò Bạc Liêu. Từ năm 1910, người Cần Thơ đã được xem chiếu bóng (phim câm) do nhóm Batissou trình chiếu lưu động những phim ngắn, khôi hài hoặc thời sự khoa học.

Năm 1917, Collège Cần Thơ (về sau là Trường Phan Thanh Giản; nay là Trường THPT Châu Văn Liêm) được xây dựng, trở thành nơi đào tạo nhân tài cho cả khu vực. Viện Đại học Cần Thơ là niềm tự hào không chỉ của người dân trong tỉnh mà còn của cả miền Tây. Cũng trong năm 1917, tờ "An Hà nhật báo" ra đời tại Cần Thơ; sau đó, tờ nhật báo "Đuốc miền Tây" ra đời với quy mô lớn, có nhà in, có ban phát hành riêng… Ngày 20.12.1967, Đài Phát thanh Cần Thơ được thành lập, với máy phát tiếng 10.000 watts, trên làn sóng 385kilo herzt; Đài vô tuyến truyền hình Cần Thơ phát hình trên băng tầng số 7, có chương trình địa phương thật độc đáo…(4)

Với vị thế sẵn có của mình, từ những năm 1919- 1920, Cần Thơ đã trở thành trung tâm điểm giao thông thủy bộ, giao lưu kinh tế, văn hóa của cả khu vực Tây Nam Bộ và được mệnh danh là "Tây Đô" - thủ phủ của miền Tây Nam Bộ. Tháng 2 năm 1919, Phạm Quỳnh từ Long Xuyên đến Cần Thơ, thấy sự sung túc của Cần Thơ, ông không tiếc lời khen ngợi: Cần Thơ có cái vẻ mỹ miều, xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng danh làm tỉnh đầu ở miền Tây (La capitale de L’Ouest). Đường phố thênh thang, cửa nhà san sát, các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn tỉnh khác, có chỗ coi xinh đẹp hơn ở Sài Gòn.(5)

Như vậy, từ lâu Cần Thơ đã đóng vai trò là trung tâm của ĐBSCL và ngày nay, vị thế đó vẫn được tiếp tục giữ vững.

Trần Phỏng Diều

 


(1) Sơn Nam (1999), Trong lịch sử Cần Thơ đã là "Tây Đô", báo Cần Thơ số Xuân.

(2) Nguyễn Liên Phong (2012), Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Nguyễn Q. Thắng (chú dịch, giới thiệu), Nxb Văn học, tr.315-316.

(3) Sơn Nam (1997), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ, tr.366.

(4) Văn khố quốc gia (1974), Cần Thơ Phong Dinh chỉ nam, tr.10-13.

(5) Phạm Quỳnh (2001), Một tháng ở Nam Kỳ, in trong cuốn Mười ngày ở Huế, Nxb Văn học, tr.191.