Việt Nam bội thu sáng kiến của nhà phát minh chân đất

Ngày đăng: 28-02-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa
Anh Cao Phát Triển (Ô Môn, Cần Thơ) đã chế ra hệ thống phun thuốc và tưới tự động điều khiển bằng điện thoại.

Tiền Phong đưa tin, anh Cao Phát Triển, ở ấp Thới Xương 1, phường Thới Long, Huyện Ô Môn, có 0,8 ha trồng quýt. Chỉ tính riêng Tết năm nay thu hoạch 16 tấn quýt tiều và 1 tấn quýt đường bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg, thu được trên 500 triệu đồng. Trong khi chỉ cần ngồi nhà điều khiển.

Theo anh Triển, hiện nay biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thể hiện rõ nhất tại địa phương anh nước sông ngày cạn kiệt. Đồng thời, nước ta hiện đang hội nhập sâu, rộng vào sân chơi quốc tế nên không thay đổi tư duy thì sẽ thua trên sân nhà mà điển hình là nông sản Thái Lan đã lấn lướt sản phẩm Việt.

Anh phân tích, với hệ thống phun thuốc và tưới tự động như của anh thì chỉ cần bơm nước vào mương một lần trữ lại đó rồi sử dụng cho vài tháng, cho dù nước sông có kiệt đi nữa cũng không lo vì mỗi lần tưới tốn ít nước.

Trong khi đó, sử dụng tưới bằng máy hoặc tay thì vất vả với thời tiết nắng khắc nghiệt như hiện nay.

Việt Nam bội thu sáng kiến của nhà phát minh chân đất

Nông dân chế hệ thống tưới tự động

“Ưu điểm là không tác động trực tiếp lên cây, hệ thống phun sẽ làm hạn chế tối đa các côn trùng gây hại giúp trái đẹp, bóng loáng để cạnh tranh với sản phẩm ngoại”, anh Triển tự tin nói.

Với thành công như hiện nay, anh Triển còn thấy mình nhỏ bé khi nước ngoài họ đã chế tạo máy hái quýt tương tự như vườn của anh mà chỉ cần vài ba người là có thể thay thế cả mấy chục người làm cả ngày.

Để làm được như hiện nay, bản thân anh Triển đã thất bại nhiều vì không có kinh nghiệm thực tế và vốn đầu tư.

Theo lời anh, để thành công, anh chạy nhiều nơi mua dụng cụ về thử, tháo ra ráp vào thử nghiệm nhiều lần từ bét phun sương nhuyễn hao điện, đến bét đa chức năng cánh đập… lắp vào vườn.

“Nhiều đêm thức trắng tìm thông tin, thông số, phác thảo mô hình. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng mất mấy tháng trời mới thành công”, anh Triển tâm sự.

Anh Triển cho biết, trên diện tích 0,8 ha của anh, trước đây mỗi lần tưới máy mất 5 giờ và thuê 1 người theo cầm ống, tốn 140.000 đồng/lần tưới, còn tưới tay sẽ mất gần 2 ngày mới giáp, chi phí thuê nhân công gần 300.000 đồng. Còn hiện nay chỉ cần điều khiển bằng điện thoại khoảng 10 phút, tốn 2.000 đồng là xong, giảm chi phí 70 lần so tưới máy và 150 lần tưới tay.

Anh Triển nói: “Điều quan trọng là giảm được chi phí và giá thành sản xuất. Đồng thời, mình chủ động hoàn toàn trong quy trình chăm sóc như sử dụng cỏ để che phủ, chống xói mòn, giúp bộ rễ có đầy đủ ô xy, nước… giúp vườn cây phát triển xanh tốt”.

Không chỉ sáng chế, những phát minh của nông dân Việt, còn được xuất khẩu ra nước ngoài, tháng 1/2016, ông Thắng (54 tuổi, ở P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã có văn bản ký kết với Công ty CP Holding Vĩnh Phát (TP Hà Nội) để triển khai sản xuất các sản phẩm: thiết bị gieo hạt, máy phun xịt dung dịch và máy gặt đập liên hợp theo thỏa thuận nhượng quyền sáng chế lên tới 8,5 tỉ đồng.

Có lẽ đây là một trong những lần hiếm hoi sáng chế của một nông dân chính hiệu được bán - mua với số tiền không nhỏ.

Không chỉ giới khoa học trong nước mà nhiều nhà sáng chế ngoài nước cũng phải thán phục những người như ông Trần Quốc Hải (Tây Ninh) chế tạo xe bọc thép, ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) chế tạo tàu ngầm hay anh Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) chế tạo trực thăng; ông Phạm Văn Hát (Hải Dương) sáng chế ra bộ ép luống soi rạch trồng rau các loại và bộ ép luống chuyên dùng cho cà rốt...

Và còn nhiều những sáng chế "không thể tin nổi" khác mà chúng ta còn chưa có điều kiện để biết.

Trong một diễn biến liên quan khác, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về nông nghiệp hiện nay vô cùng ít.

Ttrao đổi trong chương trình "Vấn đề hôm nay" trên VTV1, ngày 15/2, TS. Nguyễn Hồng Phương - Viện Vật lý địa cầu đã đánh giá Thông tư 27 về khoán chi trong các dự án nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước là cuộc cách mạng đối với các nhà nghiên cứu khoa học.

Ông cho hay: "Trước đây, mỗi nhà khoa học được khoán một số tiền và phải nghĩ ra số đề tài để đủ với số tiền được cấp. Như vậy, có những chuyên đề tốn nhiều công sức nhưng có những chuyên đề không làm vẫn phải nghĩ ra để trang trải tổng kinh phí.

Đây cũng là điều khiến chúng tôi đau đầu và mất nhiều thời gian nhất. Bây giờ thì chúng tôi đã thoải mái tập trung làm việc mình yêu thích là làm khoa học”.

Như cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Quân: "Từ nay, các nhà khoa học không còn phải nói dối nữa".

(theo Dân Việt)