Chiều 6/5/2025, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng và thành phố Cần Thơ (Tổ 8) thảo luận tại tổ về 3 dự án luật gồm: dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Đồng thời, cân nhắc luật hóa toàn bộ các quy định thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết số 193/2025/QH15; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi của Luật để đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ tập trung quy định về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chưa bao quát các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ nhất là đổi mới sáng tạo của các cá nhân trong xã hội. Thời gian qua, có nhiều cá nhân đã tổ chức nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chế tạo máy móc, công cụ phục vụ sản xuất rất hiệu quả. Vì vậy, cần bổ sung các quy định nhằm khuyến khích các cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào Điều 4 của dự thảo Luật.
Đại biểu đề nghị: Luật nên quy định chung hành vi bị cấm là: “Can thiệp trái pháp luật vào việc xác định nhiệm vụ, xét chọn, đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo” nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, hiện nay vấn đề liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp được toàn xã hội rất quan tâm, không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới. Những hành vi vi phạm liêm chính khoa học còn diễn ra khá phổ biến ở nước ta, điển hình như: đưa tên những người không tham gia vào quá trình nghiên cứu làm tác giả, đồng tác giả công trình; đạo văn; làm hộ/làm thuê, thậm chí mua/bán các bài báo khoa học, các công trình nghiên cứu; bịa đặt, sử dụng số liệu giả trong kết quả nghiên cứu,… Đại biểu Đào Chí Nghĩa đề xuất: Để có được một nền khoa học lành mạnh và có đóng góp thiết thực cho xã hội thì việc quan trọng nhất là bảo vệ liêm chính khoa học và xây dựng đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động nghiên cứu. Do đó, cần bổ sung hành vi “vi phạm các quy tắc về liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” vào danh mục các hành vi bị cấm trong dự thảo Luật./.
Hà Lan- Lâm Tân