Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ góp ý về dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi)

Ngày đăng: 16-05-2025 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
    Thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sáng 15/5, các đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung chính sách và chế độ ưu đãi đối với người làm việc trong môi trường phóng xạ; bổ sung nguyên tắc "trách nhiệm mở rộng" của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải phóng xạ.

    Quang cảnh thảo luận tại Hội trường.

    Trong phiên họp buổi sáng ngày 15/5/2025, Quốc hội tiến hành các nội dung: Nghe Tờ trình, thảo luận và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội; Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

    Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu

    Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Đào Chí Nghĩa – Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ, thống nhất cao với việc sửa đổi cơ bản, toàn diện luật hiện hành, nhằm kịp thời thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nội dung về phát triển điện hạt nhân, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân; đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân; nâng cao năng lực trong nước nội địa hoá thiết bị điện hạt nhân; góp phần huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

    Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa đóng góp vào Điều 5. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đại biểu cho rằng tại Khoản 4, Điều 5 của dự thảo Luật quy định về chuẩn bị nguồn lực ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân nhưng chưa đề cập đến việc phối hợp liên ngành (y tế, môi trường, quốc phòng) trong ứng phó sự cố hạt nhân. Vì khi sự cố hạt nhân xảy ra thì thường để lại hậu quả liên quan đến môi trường, về bệnh tật,….Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung yêu cầu phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong kế hoạch ứng phó với sự cố hạt nhân hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Ngoài ra, ĐBQH Đào Chí Nghĩa cho rằng, tại Điều 5 của dự thảo Quy định các nguyên tắc bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân như tối ưu hóa bảo vệ, giới hạn liều chiếu xạ, trách nhiệm tổ chức cá nhân, ứng phó sự cố...Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch, giám sát xã hội và tăng cường nhận thức, sự chấp thuận của người dân, phù hợp với định hướng phát triển bền vững và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

    Đại biểu Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nguyên tắc “bảo đảm sự tham gia, giám sát của cộng đồng tại khu vực có hoạt động năng lượng nguyên tử có nguy cơ rủi ro cao”.

    Tại khoản 1 và Khoản 2, Điều 22. An ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân của dự thảo Luật yêu cầu tổ chức, cá nhân xây dựng và duy trì văn hóa an ninh, nhưng khái niệm này còn chung chung, khó áp dụng trong thực tế. Do đó, đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung: Bổ sung cụ thể hóa hoạt động “duy trì văn hóa an ninh” bằng các hành động cụ thể (ví dụ: tổ chức đào tạo định kỳ, ban hành quy tắc ứng xử nội bộ liên quan đến văn hóa an ninh). Bổ sung khoản 3, điểm a để quy định thời hạn báo cáo (chẳng hạn, trong vòng 24 giờ) và hình thức báo cáo (chẳng hạn, qua nền tảng số hoặc văn bản khẩn). Bổ sung cơ chế hỗ trợ tài chính từ Nhà nước hoặc Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân cho các tổ chức nhỏ trong trường hợp sự cố nghiêm trọng, để đảm bảo khả năng xử lý kịp thời.

    Tại Điều 36 vận hành thử nhà máy điện hạt nhân chưa quy định rõ cơ chế giám sát độc lập của cơ quan pháp quy hạt nhân trong quá trình vận hành thử. Tuy nhiên, giai đoạn vận hành thử tiềm ẩn nhiều rủi ro do lần đầu tiên hệ thống vận hành ở quy mô thật. Việc giám sát độc lập, chặt chẽ là cần thiết để bảo vệ an toàn cộng đồng và môi trường. Do đó, đại biểu Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định: "Cơ quan pháp quy hạt nhân có trách nhiệm giám sát trực tiếp, liên tục quá trình vận hành thử và được quyền yêu cầu dừng thử nghiệm nếu phát hiện dấu hiệu mất an toàn."

    Tại Điều 40 Giám sát an toàn và bảo đảm an ninh của dự thảo: Chỉ quy định "Cơ quan pháp quy hạt nhân tổ chức hoạt động giám sát an toàn...". Tuy nhiên, đại biểu Nghĩa cho rằng với xu hướng chuyển đổi số và khả năng ứng dụng công nghệ theo dõi thời gian thực, cần bổ sung hình thức giám sát từ xa để nâng cao hiệu quả quản lý và cảnh báo kịp thời sự cố. Do đó, đại biểu Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định: "Việc giám sát phải được thực hiện theo phương thức đánh giá định kỳ, đột xuất và giám sát từ xa thông qua hệ thống theo dõi thời gian thực."

    Từ Điều 41 đến Điều 73 của dự thảo Luật, đang quy định những nội dung liên quan đến Nhà máy điện hạt nhân, thăm dò, khai thác, chế biên khoáng sản phóng xạ; Thanh sát hạt nhân; Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và các nội dung quản lý vận hành, kiểm soát, ứng phó sự cố, trách nhiệm, cấp phép, bồi thường...

    Tuy nhiên, để đảm bảo sự đồng thuận xã hội, tăng cường giám sát của người dân, phù hợp với các nguyên tắc quản trị hiện đại và phát triển bền vững trong lĩnh vực đặc thù, rủi ro cao như năng lượng nguyên tử. Đại biểu Nghĩa nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung những nội dung cụ thể như sau: Bổ sung quy định về cơ chế lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng ảnh hưởng trước khi phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng nghiên cứu; Tăng cường cơ chế đánh giá tác động xã hội (ngoài đánh giá tác động môi trường); Quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong các tình huống khẩn cấp; Bổ sung quy định cụ thể về việc chia sẻ thông tin công khai, minh bạch cho người dân khu vực liên quan.

Lâm Tân