Tại phiên họp toàn thể ở hội trường chiều ngày 22/5/2018,
Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam
1. Một số vấn đề chung
Ban Pháp chế nhận thấy bố cục, kỹ thuật trình bày của Dự thảo luật ở một số điều còn chưa bảo đảm tính logic, chặt chẽ và cần điều chỉnh rõ ràng hơn, cụ thể như: Nên gom Điều 36, 37, 38 của Dự án luật thành một điều là màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu, dấu hiệu nhận biết phương tiện, con dấu, trang phục của Cảnh sát biển Việt Nam do Chính phủ quy định (không nên quy định chi tiết ở từng điều khoản riêng như Dự thảo vì sẽ trùng lập không cần thiết); tại Chương IV (Phối hợp hoạt động,…) chỉ nêu nguyên tắc chung, còn nội dung cụ thể do văn bản dưới luật quy định để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện,…
2. Một số vấn đề cụ thể
a) Về công bố, thông báo cấp độ an ninh hàng hải và thay đổi cấp độ an ninh hàng hải (Điều 18):
Ban Pháp chế cho rằng cần rà soát quy định về thẩm quyền của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong việc công bố, thông báo cấp độ an ninh hàng hải, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải. Vì theo Nghị định số 130/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2010/NĐ-CO ngày 29 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về việc huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Việc huy động tàu thuyền dân sự tham gia vào bảo vệ chủ quyền biển đảo là Chủ tịch Ủy ban nhân dân ra quyết định huy động, cơ quan quân sự địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về mặt huy động, không thuộc thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam chỉ tiếp nhận lực lượng để tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng đã phê duyệt. Trường hợp Luật giao cho Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì tham mưu thì không đúng với thực tiễn và Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn so với Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh/thành phố.
b) Về biện pháp công tác (Điều 12)
Ban Pháp chế cho rằng ngoài 08 biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam được nêu trong Dự thảo cần bổ sung thêm 01 “Biện pháp công tác khác” để đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện và dự liệu những biện pháp công tác phát sinh trong tương lai.
c) Về phối hợp hoạt động (Chương IV)
Ban Pháp chế cho rằng, để tránh quy định trùng lặp về nội dung và bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đề nghị quy định việc phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng khái quát, nguyên tắc; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này theo như Phương án 2 của Dự thảo./.
Quách Trọng Thiện