Ở nước ta, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, phát huy sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về an ninh mạng (ANM) cần khắc phục. Trong đó, tiềm lực quốc gia về ANM của nước ta chưa đủ mạnh, chưa huy động, khai thác được sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng; không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện âm mưu tiến hành “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta.
Bên cạnh đó, tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần, thậm chí ảnh hưởng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ANM chưa được xây dựng; các văn bản hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật…
Thực trạng và nguy cơ trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ANM để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng và ban hành Luật ANM bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc.
Mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, được đa số đại biểu Quốc hội tán thành, nhưng một số đối tượng chống đối đã có hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc với những luận điệu như “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”… gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ANM. Tôi khẳng định rằng, Luật ANM không có những quy định nêu trên, không tạo rào cản, không tăng thủ tục hành chính, không cấp giấy phép con và không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của các tổ chức, cá nhân.
Do vậy, để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội về Luật ANM, góp phần đấu tranh, phản bác lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phần tử phản động, các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội cần tăng cường tuyên truyền, giải thích giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm và hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương có liên quan đến Luật ANM. Đồng thời cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, xuyên tạc, suy diễn để lôi kéo, kích động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, cần triển khai nghiêm túc, bài bản công tác tuyên truyền theo Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Công tác tuyên truyền góp phần ổn định an ninh trật tự trong thời gian tới”; tuyên truyền, giải thích rõ những nội dung cơ bản của Luật ANM; làm rõ sự cần thiết, mục đích ban hành và ý nghĩa của Luật ANM.
Cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhất là những vấn đề bức xúc của nhân dân để chủ động, kịp thời xử lý và tham mưu cho cấp trên biện pháp giải quyết. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có thông tin, bình luận, phát ngôn thiếu căn cứ, sai lệch nội dung Luật ANM, kích động, tụ tập đông người, tuần hành, gây rối an ninh trật tự, bạo loạn và chống phá Đảng, Nhà nước trên báo chí, mạng xã hội…