Video clip

4871427

Lượt truy cập

số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpĐang online1042
số người truy cậpHôm nay473
số người truy cậpHôm qua4811
số người truy cậpTất cả4971427

PHÚC ĐÁP ĐƠN THƯ, KIẾN NGHỊ

Một số kinh nghiệm cải tiến, đổi mới trong việc quyết định các vấn đề quan trọng thuộc phạm vi quyền hạn của HĐND TP Cần Thơ
 

Trên cơ sở chủ đề của Hội nghị tập trung trao đổi hôm nay “Một số kinh nghiệm cải tiến, đổi mới trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương thuộc phạm vi, quyền hạn của HĐND các tỉnh, thành phố”, Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ xin trao đổi một số nội dung liên quan đến chủ đề nói trên từ thực tiễn thành phố Cần Thơ để các đại biểu cùng nghiên cứu.

Quang cảnh hội nghị

Theo quy định, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. HĐND thực hiện hai chức năng cơ bản là quyết định và giám sát. Như vậy, quyền quyết định là một trong những chức năng cơ bản của HĐND. Đây không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, trên thực tế làm thế nào để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND đòi hỏi mỗi địa phương chúng ta phải có sự cải tiến, đổi mới trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương mình.  

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỨC NĂNG QUYẾT ĐỊNH CỦA HĐND THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Trong những năm qua, HĐND thành phố Cần Thơ đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng quy định. Đã thực hiện tốt chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ của mình. Hàng năm HĐND thành phố đã xem xét, quyết định những chủ trương, biện pháp, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thu chi ngân sách.

Ông Trần Văn Thường – Phó Chánh Văn phòng ĐĐBQH và HĐND thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL lần thứ 22 tại tỉnh Tiền Giang, ngày 10/10/2014

Điểm nổi bật của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã ban hành nhiều nghị quyết tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị của thành phố, đã được các cấp, các ngành và Nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND thành phố đã thông qua 130 nghị quyết. Chất lượng các nghị quyết được ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, ngân sách đều được đại biểu trao đổi cân nhắc kỹ, phát biểu làm rõ các ý kiến còn khác nhau, nên khi biểu quyết cơ bản có 100% đại biểu dự họp thống nhất thông qua, trong nghị quyết có nêu rõ nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp thực hiện. Nhiều nghị quyết chuyên đề sát thực tiễn cuộc sống, nhanh chóng thấy rõ tính khả thi, đáp ứng mong mỏi của cử tri, được Nhân dân đồng tình ủng hộ sau khi ban hành [1].

HĐND xác định việc thực hiện quyền quyết định thông qua các kỳ họp HĐND. Vì thế, việc chuẩn bị các kỳ họp của HĐND thành phố Cần Thơ được quan tâm chỉ đạo chuẩn bị sớm và chu đáo về quy trình trước - trong - sau mỗi kỳ họp. Theo đó, trước mỗi kỳ họp khoảng 60 ngày, Thường trực HĐND chủ trì và phối hợp với UBND, UBMTTQ, các Ban của HĐND và các ngành hữu quan họp liên tịch nhằm thống nhất nội dung kỳ họp, ngày họp, thời gian gởi các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết,… sau đó, Thường trực HĐND ban hành kế hoạch chính thức về tổ chức kỳ họp. Đồng thời, Thường trực HĐND sớm phân công các Ban của HĐND thẩm tra các nội dung được trình tại kỳ họp, UBND có kế hoạch phân công cho các cơ quan chuyên môn xây dựng các báo cáo theo quy định. Theo kế hoạch này, nếu cơ quan trình không gởi văn bản trình đến Thường trực HĐND đúng hạn thì nội dung đó không được trình ra HĐND [2], từ đó, đã nâng cao trách nhiệm của cơ quan trình và tạo thuận lợi cho các Ban của HĐND thẩm tra.

Công tác thẩm tra của các Ban của HĐND thành phố được chuẩn bị khá sớm được kết hợp trong các đợt giám sát trước kỳ họp để nắm tình hình thực hiện nghị quyết, và sau khi tiếp nhận phân công của Thường trực HĐND. Theo ý kiến thẩm tra của các Ban, nhiều nội dung được cơ quan trình tiếp thu xin rút lại hoặc thay đổi nội dung trình. Riêng đối với các dự thảo nghị quyết kèm tờ trình tương đối phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, các Ban của HĐND thành phố đã chủ động mời các cơ quan trình họp để trao đổi, thống nhất các nội dung trước một bước, nhằm tạo thuận lợi cho các Ban trong công tác thẩm tra. Tại các cuộc họp thẩm tra bắt buộc phải có lãnh đạo sở, ngành có tham mưu tờ trình dự họp và có ý kiến giải trình, để đại biểu dự họp có đủ thông tin trước khi quyết định. Một điểm đáng ghi nhận là, hầu hết các tham luận trong từng kỳ họp của các Ban của HĐND thành phố đều được chuẩn bị kỹ, có phân tích so sánh, đối chiếu, không lập lại số liệu của cơ quan trình,... tạo thuận lợi cho các đại biểu HĐND xem xét, thảo luận trước khi quyết nghị.

Hàng năm, HĐND thành phố đã xây dựng và thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng Nghị quyết của năm sau, nên đã tạo điều kiện cho việc chuẩn bị, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương chủ động hơn, sát thực và chất lượng hơn.

Với cách làm như trên, trong thời gian qua HĐND thành phố Cần Thơ đã thực hiện chức năng quyết định của mình một cách thực chất, đúng thẩm quyền và chất lượng ngày càng được nâng lên. Góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố. 

II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐỂ THAM MƯU HĐND BAN HÀNH CÁC NGHỊ QUYẾT

Để đạt được các kết quả nêu trên, Thường trực HĐND quan tâm thực hiện một số việc sau:

- Một là, Thường trực HĐND luôn quan tâm đến “Sức sống” của các nghị quyết còn hiệu lực thi hành. Trên cơ sở các nghị quyết HĐND còn hiệu lực thi hành Thường trực HĐND giao các Ban của HĐND theo lĩnh vực Ban phụ trách theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết.

- Hai là, các Ban của HĐND theo dõi sát nội dung trình của các sở, ngành và ý kiến của UBND tại các cuộc họp, nắm bắt các nội dung trọng tâm, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nhằm phục vụ cho việc thẩm tra được sát hơn. Đối với các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, các Ban có sự chủ động mời các sở, ngành có liên quan họp để giải trình, làm rõ thêm, cung cấp thêm thông tin thuận lợi cho việc thẩm tra, là cơ sở để các đại biểu HĐND thành phố xem xét, quyết nghị.

- Ba là, theo sự phân công của HĐND, Thường trực HĐND và theo lĩnh vực chuyên môn, các Ban của HĐND thực hiện giám sát có nhiều sáng tạo, kiến nghị thuyết phục, được HĐND tiếp thu, thông qua nghị quyết sát thực tiễn cuộc sống, khả thi và được Nhân dân đồng tình. Đơn cử như:

+ Ban pháp chế, Văn phòng trực tiếp khảo sát đối tượng chịu sự tác động của dự thảo nghị quyết về chế độ, mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách ở xã, ấp. Qua khảo sát, cho thấy đề xuất của ngành chuyên môn đối với dự thảo nghị quyết chuẩn bị trình chưa sát, vì vậy, Thường trực HĐND và các của Ban HĐND đã có kiến nghị và được HĐND thống nhất nâng mức phụ cấp lên khoảng 1/3 so với dự thảo nghị quyết đề xuất ban đầu.

+ Ban văn hóa - xã hội qua các đợt giám sát định kỳ, đột xuất,... đã kiến nghị đơn vị, sở, ngành có liên quan tham mưu UBND và được UBND thống nhất trình HĐND thông qua nghị quyết: Mức chi hỗ trợ cho giáo viên Mầm non. Theo đó, mức hỗ trợ cho giáo viên Mầm non hàng tháng bằng 0,5 x mức lương cơ sở (tương đương 575.000 đồng), hỗ trợ trong 9 tháng/năm [3].

+ Qua các đợt tiếp xúc cử tri, ý kiến, kiến nghị của cử tri về việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa bàn các quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ vì hiện tại người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, qua thẩm tra Ban kinh tế và ngân sách đã thống nhất HĐND ban hành nghị quyết về chính sách thí điểm hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2012 [4].

- Nhằm tăng hiệu lực của nghị quyết ban hành, các kết luận của Chủ tọa kỳ họp, HĐND còn quyết định ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn trong đó, đề cập trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan trả lời chất vấn tại kỳ họp, đây là cơ sở để xem xét trách nhiệm của thủ trưởng ngành nếu không thực hiện đúng nghị quyết. 

Tuy nhiên, việc xem xét, quyết định của HĐND thành phố Cần Thơ còn một số hạn chế, như:

- Một số dự thảo nghị quyết, tờ trình, báo cáo, đề án gửi đến Thường trực HĐND, các Ban của HĐND nội dung trình chưa chu đáo, thiếu tính thuyết phục hoặc không đúng thẩm quyền quyết định của HĐND địa phương nên phải trình lại hoặc đưa ra ngoài chương trình thông qua tại kỳ họp.

- Các Ban thẩm tra phần lớn tập trung vào các đại biểu chuyên trách, các đại biểu kiêm nhiệm chưa có nhiều ý kiến đối với các nội dung thẩm tra.

- Một số đại biểu HĐND thành phố nghiên cứu chưa sâu và tham gia thảo luận kỹ trước khi biểu quyết do chưa hiểu rõ về lĩnh vực được xem xét quyết định nên ngại tham gia ý kiến.

Cán bộ, chuyên viên Văn phòng ĐĐBQH và HĐND TP. Cần Thơ tham dự hội nghị

III. MỘT SỐ KINH NGHIỆM

 Để HĐND thực hiện tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương một cách thực chất và có chất lượng, hiệu lực cao, từ thực tế của địa phương mình, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

1. Phải bám sát thực tế để ban hành nghị quyết cho phù hợp. Kinh nghiệm cho thấy, để việc đề ra nghị quyết sát thực và khả thi. Trước mỗi kỳ họp các Ban của HĐND cần tổ chức khảo sát, giám sát trực tiếp tại cơ sở, kết hợp với việc nghe báo cáo kết quả thực hiện, triển khai nghị quyết của các cơ quan chuyên môn và quận, huyện, dư luận xã hội nhằm có nhiều thông tin để nắm tình hình, tạo thuận lợi cho việc ban hành nghị quyết đảm bảo tính sát thực hơn.

2. Cần có sự phối hợp tốt trong việc chuẩn bị các nội dung cho các quyết định của HĐND, chẳng hạn, các Ban của HĐND cần được mời tham gia ý kiến ngay từ khi dự thảo các đề án, tờ trình để tham gia ý kiến và chuẩn bị tốt cho việc thẩm tra. Đồng thời, các Ban của HĐND cần có sự chủ động mời các cơ quan trình để họp trao đổi, thống nhất nội dung trình đối với những nội dung trình còn nhiều ý kiến khác nhau.

3. Cần nắm vững và thực hiện đúng quy trình soạn thảo văn bản theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND quy định. Một số ngành chưa nắm vững quy trình nên việc xây dựng thường làm tắt, bỏ qua một số công đoạn quan trọng như khảo sát đánh giá thực trạng về nội dung nghị quyết, xác định rõ căn cứ, điều kiện, nguồn lực, nhất là về ngân sách, hoặc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động sâu rộng.

4. Tăng cường giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, quyết định và giám sát là hai chức năng cơ bản của HĐND. Hai chức năng này có quan hệ chặt chẽ, tác động trực tiếp đến nhau. Để có những quyết định đúng đắn cần phải thực hiện tốt công tác giám sát, nắm được đầy đủ thông tin. Ngược lại quyết định đúng đắn giúp cho những thông tin phản ánh từ giám sát đi vào cuộc sống.  

Chủ tọa hội nghị chụp ảnh với Đoàn thành phố Cần Thơ

III. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

Để nâng cao hiệu lực quyết định của HĐND chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau đây:

1. Đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương tham khảo các kiến nghị của các cuộc giao ban ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và giao ban Thường trực HĐND các khu vực toàn quốc nói chung để đưa vào Luật những nội dung phù hợp. Trong dự thảo Luật cần quy định rõ về sự chế tài đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng nghị quyết của HĐND.  

2. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội có chỉ đạo hoạt động dân cử chuyên sâu trong các năm còn lại của nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhất là khi có 02 phương án tổ chức hoặc không tổ chức HĐND quận, phường.  

3. Đề nghị cơ quan Trung ương có thẩm quyền quy định, hướng dẫn cụ thể chức năng đối ngoại của HĐND cấp tỉnh, để chúng tôi có cơ sở ban hành chủ trương và thực thi nhiệm vụ đối ngoại của chính quyền địa phương một cách có hiệu quả.   

4. Đề nghị Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ quan tâm theo dõi các kỳ họp, các Hội nghị giao ban hàng năm của các tỉnh, thành phố, khu vực. Qua đó, xem xét, giải quyết các kiến nghị cụ thể giúp cho Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của HĐND các cấp./.

(Trích tham luận của Thường trực HĐND TP.Cần Thơ tại Hội nghị)



[1] Nghị quyết về: Chính sách thí điểm hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2012; mức chi hỗ trợ cho giáo viên mầm non; quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn, ấp, khu vực và mức khoán, hỗ trợ kinh phí hoạt động của các đoàn thể cấp xã, ấp, khu vực;…

[2] Nội dung trình này được để lại kỳ họp sau, cơ quan trình có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn.

[3] Theo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên Mầm non là 6 giờ/ngày, nhưng qua giám sát thực tế thì giờ làm việc của các giáo viên Mầm non từ 11 giờ đến 12 giờ/ngày. Do vậy, Ban văn hóa - xã hội kiến nghị việc ban hành nghị quyết hỗ trợ giáo viên Mầm non, nhằm phần nào giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho giáo viên Mầm non yên tâm công tác, tâm huyết với nghề và hết lòng với nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục thế hệ tương lai, điều này cũng tạo cho phụ huynh học sinh an tâm khi gửi con em mình.    

[4] Theo đó, người nông dân, được hỗ trợ lãi suất để mua 200 máy gặt đập liên hợp và 50 máy kéo.

Tin bài liên quan:

Bản đồ

Liên kết Website

Du lịch cần thơ