Video clip

4864312

Lượt truy cập

số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpĐang online1034
số người truy cậpHôm nay2817
số người truy cậpHôm qua3783
số người truy cậpTất cả4964312

PHÚC ĐÁP ĐƠN THƯ, KIẾN NGHỊ

Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Cần Thơ

Phát biểu của ông Trần Văn Thường -

Phó Chánh Văn phòng ĐĐBQH và HĐND TP. Cần Thơ

tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố ĐBSCL lần thứ 21.

 

Ông Trần Văn Thường - Phó Chánh Văn phòng ĐĐBQH và HĐND TP. Cần Thơ tham luận tại Hội nghị

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Những kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND,… là vấn đề đã được Hội nghị, Hội thảo của HĐND đề cập đến. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính và đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Quyền lực thực sự có thuộc về nhân dân hay không phụ thuộc rất nhiều vào những chế định của pháp luật quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và năng lực hoạt động thực tế của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND và cơ quan tham mưu, giúp việc là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND (sau đây gọi là Văn phòng).

Tại Hội nghị hôm nay, theo gợi ý của Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng (đơn vị đăng cai), Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ xin có ý kiến về một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng.

II. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH

1. Sơ lược đặc điểm, tình hình đơn vị

- Tên đơn vị: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ.

- Địa điểm: Số 02, Ngô Hữu Hạnh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

- Quá trình thành lập: Ngày 31 tháng 3 năm 2008 Văn phòng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ và Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ.

- Về tổ chức: Lãnh đạo Văn phòng có Chánh Văn phòng và 03 Phó Chánh Văn phòng. Văn phòng có 4 Phòng trực thuộc là: Phòng Công tác đại biểu Quốc hội, Phòng Công tác HĐND, Phòng Dân nguyện và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị.

- Về biên chế: Tổng số cán bộ, công chức, nhân viên hiện có: 47, trong đó có 11 cán bộ, công chức là đại biểu dân cử chuyên trách. Đa số cán bộ, công chức có trình độ đại học trở lên, cụ thể: Thạc sĩ: 08; đại học: 25; trung cấp: 02.

2. Chức năng, nhiệm vụ

Về mặt pháp lý, Văn phòng là cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố; có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp và tổ chức phục vụ hoạt động của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND.

Trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Văn phòng được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND thành phố. Tập thể lãnh đạo Văn phòng có phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ phụ trách theo lĩnh vực, cụ thể, rõ ràng. Đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những thuận lợi trên, cũng còn không ít những khó khăn: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu công việc; nhiều cán bộ, công chức, chưa kinh qua công tác tham mưu, phục vụ cơ quan dân cử.

Đại biểu thành phố Cần Thơ tại Hội nghị

III. VỀ CÔNG TÁC THAM MƯU VÀ PHỤC VỤ

Văn phòng với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tập thể cán bộ, công chức của Văn phòng đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, nổi bật qua các hoạt động sau:

1. Năm 2013 là năm tổ chức triển khai lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Văn phòng đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo thành phố (cơ quan tham mưu tổng hợp đặt tại Văn phòng), đã tổ chức triển khai trên toàn địa bàn thành phố, từ các sở, ban ngành thành phố đến các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, hộ gia đình, CBCC, và người lao động với các hoạt động được đánh giá rất hiệu quả, cụ thể như sau: Thường trực HĐND thành phố tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn thành phố; tổ chức họp HĐND chuyên đề (kỳ họp thứ 7) đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức 01 cuộc Hội nghị toàn cơ quan và 01 cuộc hội thảo chuyên đề lấy ý kiến đại biểu dân cử, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công tác thực tiễn đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thực hiện xây dựng đề cương trình bày cho báo cáo viên, bộ câu hỏi trong phiếu lấy ý kiến người dân, hộ gia đình, được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đánh giá cao về cách làm này và các tỉnh bạn đến tham khảo. Báo cáo kết quả về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chính phủ đúng quy định. Kết quả có 70 ý kiến của nhân dân thành phố Cần Thơ được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp thu, trong đó có 5 ý kiến riêng của thành phố Cần Thơ không trùng với ý kiến của địa phương khác.

2. Không ngừng nâng cao chất lượng kỳ họp thông qua việc: Xây dựng kịp thời các văn bản phục vụ kỳ họp; tại các kỳ họp thường lệ, Văn phòng thiết lập đường dây nóng để trực tiếp ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp, gửi đến chủ tọa; sau kỳ họp tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri qua đường dây nóng, việc thực hiện “lời hứa” của các sở, ngành có liên quan, có ý kiến đến UBND trong chỉ đạo các ngành chức năng kịp thời giải quyết, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, qua đó đã góp phần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Nhà nước với Nhân dân; tham mưu xây dựng các báo cáo thẩm tra của các Ban trình tại kỳ họp mang tính phản biện cao, có phân tích, so sánh đối chiếu để làm rõ vấn đề, giúp đại biểu có cơ sở xem xét, quyết định.

3. Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, cuối năm 2012 Văn phòng tham mưu Thường trực HÐND thành phố xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HÐND quận, huyện, xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012 - 2015” thực hiện ở 16 đơn vị điểm của 09 quận, huyện. Mục đích của Đề án là “Làm sao để chất lượng hoạt động của HĐND các cấp của năm sau cao hơn năm trước, các hoạt động đảm bảo đúng luật”. Đề án được thực hiện trong thời gian hơn 03 năm, đến nay, qua hơn một năm thực hiện, Đề án đã hoàn thành bước khởi động. Đầu năm 2013, Văn phòng biên soạn tài liệu, tham mưu tổ chức 15 lớp tập huấn cho đại biểu HĐND các quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn (có 2.414/2.626 đại biểu đạt 92,20%) theo Đề án; qua triển khai, đã giúp cho đại biểu HĐND quận, huyện, xã, phường, thị trấn nắm chắc hơn về vai trò đại biểu của mình, nắm bắt được khá nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để vận dụng vào các hoạt động thực tiễn tại địa phương. Từ đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã từng bước có sự chuyển biến tích cực, toàn diện trong các hoạt động, đặc biệt là trong kỳ họp thường lệ của HĐND cấp huyện, cấp xã. Đề án này được Chủ tịch Quốc hội đánh giá thực hiện sáng tạo. 

Nhằm sơ kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Đề án 6 tháng đầu năm và cuối năm, cũng như giao ban hàng quý, Văn phòng đã tham mưu Thường trực HĐND thành phố tổ chức Hội nghị với nhiều hình thức: Trực tuyến, giao ban rút kinh nghiệm,… đây là cơ sở để khẳng định HĐND hoạt động hiệu quả nếu thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và sáng tạo.

4. Chuyên mục “Nhịp cầu dân cử” và Chuyên đề “Với cử tri thành phố” (chính thức ra mắt bạn đọc, độc giả vào tháng 10/2011) nhằm kịp thời thông tin kết quả giải quyết ý kiến cử tri của các cấp, các ngành cho cử tri biết, đáp ứng bước đầu nhu cầu thông tin của cử tri, ngày càng được cử tri quan tâm đánh giá cao, định kỳ Văn phòng tham mưu Thường trực HĐND tổ chức họp sơ kết để đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị chỉ đạo nâng cao chất lượng của 02 chuyên mục này; tham mưu hỗ trợ kinh phí (120 triệu đồng/năm) để Báo Cần Thơ tăng cường thông tin về hoạt động dân cử, mở rộng, tăng dung lượng chuyên mục như: Mở thêm chuyên mục Giám sát - Phản biện ra định kỳ thứ 4 (2 lần/tháng).

5. Giám sát việc thực hiện các kiến nghị của cử tri và các kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND: Văn phòng thường xuyên rà soát các nội dung đã kiến nghị, đối chiếu báo cáo của UBND, sở, ngành, dư luận xã hội để xem tiến độ giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến đâu, cũng như, các kiến nghị sau giám sát của Thường trực và các Ban của HĐND.

Không chỉ dừng lại ở đó, Văn phòng đã tham mưu Thường trực HĐND giám sát nội dung này bằng nhiều hình thức: Tổ chức Hội nghị thông thường, Hội nghị trực tuyến (điểm mới của HĐND thành phố), công văn nhắc nhở, tái giám sát, điều trần, thông tin đến Báo, Đài thông qua 02 Chuyên mục và đăng tải kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trên chuyên mục của Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố, chính điều này đã tác động rất lớn đến HĐND các cấp.     

6. Nhằm tăng cường tuyên truyền về hoạt động dân cử, định hướng nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp, Văn phòng đã tham mưu xây dựng Trang thông tin điện tử với tên gọi Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Cần Thơ (với trên 30 chuyên mục, thông tin) hoạt động thử nghiệm từ tháng 6/2013 - 01/2014 và chính thức hoạt động ngày 27/01/2014, tại địa chỉ: dbnd.cantho.gov.vn, trên cơ sở đó, Văn phòng đã đẩy mạnh ứng dụng trong việc đưa thông tin về các hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố, HĐND 2 cấp huyện xã; việc đưa thông tin về hoạt động tiếp xúc cử tri; tổ chức kỳ họp HĐND, văn kiện kỳ họp, việc trao đổi thông tin giữa Thường trực HĐND và đại biểu HĐND. Việc gửi tài liệu các kỳ họp cho đại biểu HĐND và đại biểu khách mời qua trang thông tin điện tử và hộp thư điện tử đã góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo kịp thời, giúp đại biểu có nhiều thời gian nghiên cứu. Hiện nay, bình quân có 900 lượt người truy cập/ngày.

7. Về ứng dụng công nghệ thông tin: CBCC Văn phòng đã sử dụng các tiện ích tin học cơ bản (email, web, mạng nội bộ) trong cập nhật, trao đổi thông tin và xử lý công việc nội bộ, kịp thời tiếp nhận và chuyển giao văn bản điện tử trong liên hệ công tác với UBND thành phố, các sở, ngành. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng trong phục vụ, Văn phòng đã hoàn thiện các quy trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan được Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận công nhận 14 quy trình ISO (09 nghiệp vụ HĐND, 05 nghiệp vụ Văn phòng). Việc áp dụng các quy trình ISO vào giải quyết hồ sơ công việc đã góp phần rút ngắn được thời gian, tiết kiệm, nâng cao trách nhiệm và kỹ năng công việc, đẩy nhanh hơn tiến độ giải quyết công việc của CBCC ở từng khâu công việc. Đồng thời, phù hợp với Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg, ngày 05/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

8. Nhằm gián tiếp tác động, thúc đẩy hoạt động của đại biểu HĐND ngày càng đạt hiệu quả hơn và cũng là cơ sở để đề nghị khen thưởng hàng năm cho đại biểu, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các tập thể HĐND được công bằng, khách quan, Văn phòng tham mưu Thường trực HĐND thành phố thực hiện nhiều nội dung, trong đó có: Ban hành thang điểm thi đua (các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND) ; công tác thống kê, điểm danh về hoạt động của đại biểu HĐND (số lần dự kỳ họp, phát biểu, chất vấn tại kỳ họp, phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri,…); hoạt động của Tổ đại biểu (số lần họp Tổ, số cử tri dự, số xã có đại biểu tiếp xúc cử tri,…); hoạt động của các Ban của HĐND (số lần thẩm tra, giám sát, khảo sát, họp Ban,…). Các số liệu phản ánh từ các phụ lục đã tác động, thúc đẩy hoạt động của các tập thể và đại biểu HĐND ngày càng đạt hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cùng với sự nỗ lực của tập thể Văn phòng, trong các năm qua Văn phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được lãnh đạo thành phố đánh giá rất cao. Tuy nhiên, trong quá trình giúp việc cho ĐĐBQH và HĐND, Văn phòng nhận thấy hiện còn nhiều bất cập, tình trạng vướng mắc chồng chéo trong thời gian dài đến nay vẫn chưa được tháo gỡ như: Quy định về thể chế chưa rõ ràng; vị trí của Văn phòng trong cơ quan nhà nước không rõ: Trước đây Văn phòng Chính phủ có khen được 02 năm và nay không thực hiện tiếp do địa phương không phải hệ thống dọc; chức năng nhiệm vụ nhiều trùng lắp; mối quan hệ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ không được định hình; tổ chức bộ máy thiếu thống nhất; điều kiện vật chất bảo đảm chưa đồng bộ; nhận thức về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Văn phòng cũng chưa đúng, chưa đầy đủ và còn nhiều cách đánh giá khác nhau; chưa có sự thống nhất về chủ tài khoản giữa 02 văn bản hướng dẫn của cấp trên (Hướng dẫn số 2342/HD-VPQH và Nghị quyết 545);... Tóm lại, từ cơ chế tổ chức, cơ chế giao nhiệm vụ, đến cơ chế đảm bảo điều kiện hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND hiện hành, nhằm thực hiện quyền lực, thực hiện nhiệm vụ của HĐND còn nhiều vướng mắc, chưa thông thoáng,... nên hiệu quả hoạt động của HĐND còn nhiều hạn chế.       

Đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố dự Hội nghị

 

Đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ và Chủ tọa Hội nghị

IV. MỘT SỐ KINH NGHIỆM

Qua quá trình tham mưu, giúp việc, chúng tôi đã rút ra một số kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng:

- Cần nắm chắc và thực hiện đúng Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 và các văn bản liên quan của Trung ương và cơ quan mình.

- Thực tiễn cho thấy nếu điều hành khoa học, phân công hợp lý; đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo về trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động của HĐND gắn liền với ứng dụng thành tựu của công nghệ tin học và công nghệ truyền thông; không ngừng cải tiến nghiệp vụ hành chính Văn phòng phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính thì mọi công việc được chủ động hơn, thuận lợi hơn, hoạt động có hiệu quả hơn.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ thành “chuyên gia”, “chuyên nghiệp”, “hiện đại”, là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng (đây là nơi bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp).

- Tập thể cán bộ, công chức Văn phòng đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hoạt động đều ở các lĩnh vực (Văn phòng đứng đầu khối thi đua 03 năm liên tục).

- Công tác thi đua, hoạt động đoàn thể góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt là phát huy sáng kiến, áp dụng sáng kiến nên có những hoạt động mới như: Theo dõi chặt chẽ việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; theo dõi quản lý hoạt động các tập thể, cá nhân làm cơ sở khen thưởng hàng năm; xây dựng bộ quy trình ISO; xây dựng trang Web; xây dựng Đề án,… đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng trong thời gian vừa qua.

V. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

Để tổ chức và hoạt động của HĐND ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả chúng tôi xin được nêu một số kiến nghị và đề nghị Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Công tác đại biểu - Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ như sau:

1. Về vị trí của Văn phòng: Sớm sửa đổi Nghị quyết số 545/2007/ UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, xác định rõ hơn vị trí của Văn phòng; các mối quan hệ của Văn phòng cấp tỉnh trong cả nước, đặc biệt là mối quan hệ với các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh.

2. Về biên chế: Xác định rõ biên chế, cán bộ giúp việc HĐND cấp huyện, cấp xã và các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng “chuyên trách, chuyên nghiệp”; đồng thời, làm rõ biên chế phục vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội.

3. Về kinh phí: Nên thống nhất thực hiện từ một nguồn kinh phí và cùng một chế độ chi để tạo sự thống nhất cao và không có sự so bì giữa cán bộ trong cùng một Văn phòng (Thực tế hiện nay Văn phòng vẫn còn tồn tại hai nguồn kinh phí và thực hiện chi quản lý hành chính khác nhau). Đồng thời, thống nhất mô hình, tổ chức bộ máy, trụ sở làm việc,... của Văn phòng ĐĐBQH và HĐND cấp tỉnh trong cả nước.  

4. Thường xuyên tổ chức Hội nghị, Hội thảo để trao đổi thông tin giữa các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, tập huấn nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Trên đây là ý kiến của Thường trực HĐND thành phố về một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng, xin được chia sẻ cùng Hội nghị.    

Cuối cùng, xin thay mặt Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ kính chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Hội nghị chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn!


 
Tin bài liên quan:

Bản đồ

Liên kết Website

Du lịch cần thơ