Video clip

4865704

Lượt truy cập

số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpĐang online1128
số người truy cậpHôm nay4209
số người truy cậpHôm qua3783
số người truy cậpTất cả4965704

PHÚC ĐÁP ĐƠN THƯ, KIẾN NGHỊ

Nhớ mãi 12 tờ báo cách mạng ở Cần Thơ

(CT)- Nói về truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta đều biết có sự gắn bó và kết nối, phát triển đặc biệt từ một tờ báo in ấn thô sơ như báo “Thanh Niên” do Bác Hồ sáng lập năm 1925, đã tạo cơ sở đầu tiên cho những bước phát triển báo chí cách mạng Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Riêng ở Cần Thơ, 12 tờ báo cách mạng từ thời kỳ đầu của phong trào cách mạng đến nay vẫn không nằm ngoài quy luật truyền thống gắn bó và kết nối phát triển đặc biệt ấy.

Tờ báo cách mạng đầu tiên của Cần Thơ là báo “Lao Nông”. Vào tháng 8-1928, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng ở Cần Thơ, đã quyết định ra tờ báo này. Đồng chí Hà Huy Giáp được phân công về vùng Bù Hút (Phong Hòa – thời ấy thuộc tỉnh Cần Thơ) để viết và in báo bằng xu xoa, màu mực tím, mỗi kỳ ra khoảng 40 bản. Lần đầu tiên tại Cần Thơ, báo “Lao Nông” bí mật truyền bá chủ nghĩa cộng sản và con đường cách mạng Việt Nam.

Tờ thứ hai là “Cùng Khổ ”. Đến năm 1929, sau khi dự Đại hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tại Hồng Kông trở về, đồng chí Châu Văn Liêm cùng các đồng chí Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thiệu và nhiều đồng chí khác ở miền Nam quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Sau đó, Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang ra báo “Cùng Khổ” để phổ biến đường lối cách mạng trong đảng viên và nhân dân miền Hậu Giang, trong đó có tỉnh Cần Thơ. Qua năm sau, vào ngày 3-2-1930, được sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ba Đảng ở ba miền tiến hành hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930 rồi đến năm 1936, 1939, Tỉnh ủy Cần Thơ không ra báo Đảng địa phương mà chỉ sử dụng báo chí công khai bằng chữ Việt và chữ Pháp, do Đảng bí mật hướng dẫn để tuyên truyền, vận động cách mạng.

Tờ báo thứ ba là “Tiến Lên”. Đầu năm 1941, sau thất bại của Nam Kỳ khởi nghĩa, Cần Thơ khôi phục lại cơ sở Đảng. Tỉnh ủy Cần Thơ do đồng chí Quản Trọng Hoàng làm Bí thư đã quyết định cho ra báo “Tiến Lên”, in bằng xu xoa, màu mực tím, để góp phần phổ biến nghị quyết Đảng, khôi phục lại cơ sở Đảng; đồng thời vận động nhân dân bí mật chuẩn bị giai đoạn cách mạng kế tiếp.

Tờ báo thứ tư là “Dân Chúng”. Đến tháng 3 – 1945, tình thế cách mạng xuất hiện. Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định ra báo “Dân Chúng”, vẫn in bằng xu xoa, màu mực tím để phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Mặt trận Việt Minh, phát động nhân dân chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa.

Tờ báo thứ năm là “Việt Minh”. Đúng ngày 26-8-1945, nhân dân tỉnh Cần Thơ khởi nghĩa thành công, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 28-8-1945, Tỉnh ủy cho ra đời báo “Việt Minh” in chữ chì tại nhà in “An Hà Ấn Quán” phát hành rộng khắp các tổ chức cách mạng và nhân dân trong tỉnh.

Tờ báo thứ sáu là “Giết Giặc”. Cuối tháng 10 – 1945, thực dân Pháp tái chiếm Cần Thơ. Quân và dân tỉnh nhà tiến hành kháng chiến. Một bộ phận kỹ thuật viên và nhân viên nhà in “An Hà Ấn Quán” đưa một máy in (pédale) và bộ chữ chì ra vùng giải phóng tham gia kháng chiến. Tỉnh ủy quyết định cho in báo “Giết Giặc” để tuyên truyền, động viên toàn dân kiên cường chống quân xâm lược.

Tờ báo thứ bảy là tạp chí “Hiệp Nhứt”. Ngày 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến. Sang năm 1947, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định cho ra tạp chí “Hiệp Nhứt” in chữ chì mang tên là cơ quan của “Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Các – Mác tỉnh Cần Thơ”. Đồng chí Đặng Văn Quan, Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo biên tập và xuất bản.

Tờ báo thứ tám là “Cần Thơ thông tin Quân Dân Chánh”. Đến cuối năm 1949, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh quyết định cho ra thêm tờ báo chung của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ mang tên là “Cần Thơ thông tin Quân Dân Chánh” – Báo xuất bản định kỳ 10 ngày một số, bốn trang khổ 21x 33 cm, có minh họa khắc gỗ, số đặc biệt in 2 màu. Báo phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn tỉnh, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1954).

Tờ báo thứ chín là “Hòa Bình Thống Nhất”. Cuối năm 1954, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, các tổ chức Đảng và đoàn thể ở lại miền Nam tiếp tục vận động nhân dân chống Mỹ - Diệm, đòi quyền dân chủ, dân sinh; đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất đất nước. Đầu năm 1955, Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Văn Sao, Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cùng đồng chí Nguyễn Văn Thường, đồng chí Huỳnh Thương và một số cán bộ tuyên huấn về xã Trường Long và xã Nhơn Nghĩa xây dựng cơ sở biên tập và ấn loát bí mật cho ra báo “Hòa Bình Thống Nhất”, in giấy sáp, 4 trang khổ 21 x 33 cm phát hành về các cơ sở trong toàn tỉnh. Qua năm 1959, Mỹ Diệm thẳng tay đàn áp dã man phong trào cách mạng. Để bảo vệ cơ sở, Tỉnh ủy chủ trương ngưng phát hành báo “Hòa Bình Thống Nhất”.

Tờ báo thứ mười là tờ “Tranh Đấu”. Cuối năm 1959, đầu năm 1960, Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, mở ra phương hướng đấu tranh mới, kết hợp đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận chống lại mọi hành động khủng bố, giết hại, cướp bóc của Mỹ -Diệm. Toàn miền Nam chuẩn bị cuộc Đồng Khởi. Trong thời gian này, Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tổ chức biên tập và xuất bản báo “Tranh Đấu”, in trên giấy sáp. Dưới tên báo ghi rõ: “Cơ quan của đảng bộ Đảng nhân dân cách mạng miền Nam tỉnh Cần Thơ”. Đồng chí Trương Văn Diễn là chủ bút. Đồng chí Huỳnh Thương là Thư ký tòa soạn. Hồi ấy, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào tỉnh nhà rất vui mừng đọc báo “Tranh Đấu” như được gặp Đảng còn ở bên cạnh mình trong tình hình khó khăn, ác liệt này.

Tờ báo thứ mười một là “Giải Phóng”. Cuối năm 1961, sau khi thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, tỉnh Cần Thơ, Tỉnh ủy quyết định chuyển báo “Tranh Đấu” thành báo “Giải Phóng”. Báo in 4 trang, khổ rộng gấp đôi báo “Tranh Đấu”, không in sáp mà in chữ chì. Biên tập và in ấn vẫn do Ban Tuyên huấn tỉnh đảm nhiệm.

Tờ báo thứ mười hai là “Cần Thơ”. Đến năm 1968, ngay trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy “Tết Mậu Thân”, Tỉnh ủy quyết định chuyển tên báo “Giải Phóng” thành Báo “Cần Thơ Quyết Thắng” và trở lại lấy tên là cơ quan của Đảng bộ Đảng Nhân dân cách mạng tỉnh Cần Thơ. Năm 1972, tên báo rút gọn lại là “Cần Thơ”. Từ đó, báo “Cần Thơ” trong bất cứ tình huống khó khăn nào vẫn liên tục phát hành đúng định kỳ, đúng định hướng, động viên quân và dân Cần Thơ tiến công và nổi dậy cùng cả nước đi đến chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày 30-4-1975, báo “Cần Thơ” trong kháng chiến chống Mỹ tiếp tục quá trình gắn bó và kết nối phát triển với các báo Đảng ở địa phương nhà như “Cần Thơ” rồi “Hậu Giang” và đến Báo Cần Thơ hiện nay.

HUỲNH THƯƠNG

Tin bài liên quan:

Bản đồ

Liên kết Website

Du lịch cần thơ