Ngày 15-4, di dời Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ về cơ sở mới

Ngày đăng: 09-04-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

Công trình Bệnh viện Nhi Đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ được khởi công xây dựng ngày 1-6-2011 với quy mô 500 giường ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Sau gần 5 năm, công trình đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh nhi cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL...

Hiện nay, hằng ngày, BVNĐ TP Cần Thơ điều trị nội trú từ 450 - 550, ngoại trú 1.800 - 2.200 bệnh nhân; lượng bệnh nhân tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. BV hiện có 521 cán bộ, nhân viên và mới tuyển dụng thêm 73 nhân viên. Mỗi ngày, BV có vài ngàn lượt người ra vào nên nhiều năm nay luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng. Vì thế, việc sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng BVNĐ TP Cần Thơ nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhi của thành phố và ĐBSCL. Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: "Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự hỗ trợ của các sở, ngành và quyết tâm của ngành y tế, công trình xây dựng BVNĐ TP Cần Thơ được Cục kiểm định Bộ Xây dựng cho phép nghiệm thu vận hành. Được sự thống nhất của UBND thành phố, ngày 15-4, chúng tôi sẽ tiến hành di dời BV về cơ sở mới, tổ chức khánh thành vào ngày 25-4-2016". 

Công trình Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã hoàn thành. 

Theo thông tin từ BVNĐ TP Cần Thơ, Sở Y tế đang bàn giao cơ sở vật chất cho BV. Để phục vụ công tác di dời, từ 4 tháng trước, BV tổ chức đoàn gồm các trưởng, phó khoa, phòng, đến cơ sở mới khảo sát. Qua đó làm đề án di dời BV; Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức đấu thầu di dời chuyên nghiệp. Lượng bệnh nhi đông, nhiều bệnh nặng nên việc di dời rất khó khăn. Bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc BVNĐ TP Cần Thơ, cho biết: "BV di dời theo hình thức cuốn chiếu (từ 15-4 đến hết 18-4-2016). Do vừa di dời vừa đảm bảo việc khám, chữa bệnh nên các khoa, phòng chia làm 2 bộ phận, một bộ phận làm ở cơ sở mới và một bộ phận ở cơ sở cũ. Trong thời gian di dời, BV không giải quyết nghỉ phép, ra trực, huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên, kể cả lực lượng đang đi học ở TP Hồ Chí Minh về hỗ trợ. Sau khi ổn định hoạt động sẽ giải quyết nghỉ bù sau. BV cũng nhờ sự hỗ trợ của giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp (đang hướng dẫn sinh viên thực tập tại BV) hỗ trợ thêm. Về bệnh nhân, trang thiết bị y tế và văn phòng, BV chuyển trước phân nửa, sau khi sắp xếp ổn định, chuyển tiếp phần còn lại. Quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân. Ở các khoa như: sơ sinh, hồi sức tích cực và chống độc..., nhiều bệnh nhân nặng, đang thở máy nên mỗi bệnh nhân đều có bác sĩ, y tá cùng đi trên xe cấp cứu. Đặc thù BV nhi là điều trị cho trẻ em nên không thể gởi các BV khác điều trị trong quá trình di dời. Sau khi chuyển đi, cơ sở này bàn giao BV Tim mạch Cần Thơ sửa chữa và sử dụng".

Để đảm bảo công tác di dời về cơ sở mới, theo bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Sở Y tế thành phố chỉ đạo BVNĐ TP Cần Thơ phối hợp với các phòng, ban Sở và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch di dời được góp ý, thông qua phê duyệt và chuẩn bị chu đáo từng khâu vận chuyển, tiếp nhận người bệnh và trang thiết bị. Quá trình di dời phải đảm bảo tuyện đối an toàn cho người bệnh, không để gián đoạn việc khám, chữa bệnh và đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn tài sản. Công việc di dời từng bộ phận có sự liên hoàn, đảm bảo khám và cấp cứu người bệnh tại cơ sở cũ cũng như triển khai hoạt động tại cơ sở mới; phân công, phân nhiệm cụ thể từng cá nhân, bộ phận và sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan như: lực lượng công an giúp đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, tránh ùn tắc; các BV tuyến thành phố hỗ trợ cấp cứu bệnh nhi khi cần thiết…

Theo bác sĩ Trần Văn Dễ, trong ngày di dời 15-4, BV tiếp nhận khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú bình thường tại cơ sở cũ. Ngày 16 và 17-4 (thứ bảy, chủ nhật), BV tiếp nhận khám ngoại trú (dịch vụ) và cấp cứu bình thường. Bắt đầu ngày 18-4, BV sẽ chính thức tiếp nhận khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú tại cơ sở mới. Về trang thiết bị y tế, các thiết bị hiện có đủ để BV hoạt động thời điểm trước mắt. BV mới tiếp nhận trang thiết bị để điều trị bệnh MERS - CoV gồm: máy thở, máy bơm kim tiêm tự động, máy lọc máu, máy đếm giọt... Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi cho biết thêm: " Khi BV đi vào hoạt động, chúng tôi sử dụng tiếp các trang thiết bị hiện có, tận dụng trang thiết bị điều tiết từ một số đơn vị khác để đưa vào hoạt động ngay, đảm bảo hoạt động chuyên môn. Chúng tôi đang triển khai gói trang thiết bị BV vệ tinh của BVNĐ TP Cần Thơ (vừa được phê duyệt) để kịp thời tiếp nhận, chuyển giao triển khai kỹ thuật do BV tuyến trên hỗ trợ. Đồng thời tiến hành các thủ tục sớm triển khai Dự án trang thiết bị BVNĐ TP Cần Thơ được UBND thành phố phê duyệt chủ trương, để đưa vào hoạt động đồng bộ cũng như phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh".

Bài, ảnh: H.HOA